BĐS: Những dự báo táo bạo cho năm Quý Tỵ

Với một loạt chính sách quyết liệt mới của Chính phủ vào cuối 2012 nhằm vực dậy thị trường bất động sản,có ý kiến nhận định khá lạc quan, nhưng đa số là cái nhìn khá bi quan về BĐS năm 2013.

Năm 2013 sẽ là năm dành cho các nhà đầu tư táo bạo

Theo ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc một công ty phát triển nhà, năm 2013 sẽ là năm dành cho các nhà đầu tư táo bạo, còn nắm nhiều tiền mặt, có thể mua lại những dự án giá rẻ để tiếp tục phát triển và chờ thị trường phục hồi. Việc tiếp tục đầu tư hay dừng lại tùy thuộc vào tài năng và bản lĩnh của từng chủ đầu tư. Vấn đề là lựa chọn phân khúc căn hộ nào, cao cấp hay giá rẻ, để đầu tư.

Những gì đang diễn ra trên thị trường hiện nay nghiêng hẳn về phân khúc nhà giá rẻ, nhắm vào người mua có thu nhập thấp. Nghị quyết của Chính phủ ban hành đầu năm nay cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà ở phân khúc này. Đó là những dự án có căn hộ dưới 70 mét vuông và giá bán dưới 15 triệu đồng mét vuông.

Xu hướng bán rẻ dự án của doanh nghiệp BĐS

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc CTCP Dầu khí Toàn cầu (GP-Invest) cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường, nhưng các giải pháp chủ yếu “nghiêng” về giải quyết NOXH và nhà thu nhập thấp. Trong khi vấn đề khó khăn của thị trường lại là hàng tồn kho thuộc phân khúc trung và cao cấp. Do vậy, chính sách gỡ khó cho thị trường nhưng không phải DN nào cũng được tháo gỡ khó khăn.



Trong khi đó, chính sách cho phép DN điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhằm gỡ khó cho DN cũng còn nhiều vướng mắc về cơ chế, khiến không phải DN nào muốn chuyển đổi là có thể chuyển đổi được ngay. Khó chồng khó, nhiều DN yếu tiềm lực tài chính sẽ tiếp tục phải bán rẻ dự án cho đối tác. Việc các DN nội có tiềm lực mua lại dự án BĐS hay việc các đối tác ngoại liên tiếp thâu tóm toàn bộ dự án hoặc chấp nhận rót vốn vào các dự án “sống dở chết dở” của các liên doanh hoặc chủ đầu tư nội thiếu vốn triển khai thời gian gần đây chính là minh chứng. 

Năm nay giới đầu tư địa ốc chỉ nên… đọc sách

Phó giám đốc Savills Hà Nội Trần Như Trung nhìn nhận về triền vọng thị trường bất động sản trong năm Quý Tỵ: 'Tôi cho rằng là tùy vào vai và số tiền họ đang có. Nếu bạn là một tổ chức đang có trong tay 1.000 tỷ đồng thì hãy đi mua lại các dự án tiềm năng, cơ cấu lại để sau 5 năm nữa bán lại. Bởi hiện nay dự án đang chào bán la liệt, vị trí đẹp, cấu trúc tốt.

Còn với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, đặc biệt là đội quân lướt sóng thì tôi cho rằng, trong năm Quý Tỵ này vẫn tiếp tục nên mua sách bất động sản để đọc, tránh chuyện mất tiền oan.' 

Giá bất động sản 2013 sẽ thấp hơn 2012

Đây là quan điểm được ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land về dự báo những tác động của gói “giải cứu” đến thị trường bất động sản năm 2013. Theo ông Hà thì giá bất động sản 2013 sẽ còn thấp hơn năm 2012.

Nguyên nhân chính dẫn đến thị trường BĐS như hiện nay là do phát triển quá “nóng”, quy hoạch thiếu kế hoạch, thị trường của giới đầu cơ đẩy giá lên quá cao,… trong những năm gần đây, khi gặp điều kiện kinh tế khó khăn ngay lập tức thị trường “xì hơi”, tồn kho bất động sản lớn, dự án dở dang, nhiều DN phải giải thể, “tháo chạy” khỏi BĐS. 


Năm 2013 sẽ là năm mà tiền mặt lên ngôi

Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, năm 2013 sẽ là năm mà tiền mặt lên ngôi.

Thị trường bất động sản đã trải qua một vài năm khó khăn, khi mà niềm tin suy giảm cùng với áp lực kinh tế vĩ mô đã giới hạn việc tiếp cận nguồn vốn. Trong năm 2013, như nhiều người đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, những ai tiếp cận được nguồn vốn sẽ chi phối thị trường.


Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam



Thứ Tư, 13/02/2013 --- cập nhật 07:55 AM, GMT+7

Đại gia Việt đua nhau mua biệt thự nghỉ dưỡng triệu đô


Trong khi thị trường bất động sản đang đóng băng, nhiều căn biệt thự nghỉ dưỡng triệu đô vẫn có chủ. Nhân lúc giá cả rẻ hơn, người có tiền tận dụng mua sắm biệt thự để hưởng thụ.

Đắt xắt ra miếng

Nếu như cách đây một vài năm, nói tới biệt thự nghỉ dưỡng triệu đô người ta thường nghĩ tới các dự án như đình đám của nước ngoài ở bãi biển Đà Nẵng có giá cao nhất lên tới 2 triệu USD.

Tuy nhiên, trên hực tế, phân khúc này đã từng xuất hiện tại Hà Nội, cách đây hai năm, một công ty đã giới thiệu ra thị trường 40 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại Ba Vì hay một dự án đình đám xây hơn chục căn biệt thự giữa hồ ở Đồng Mô cũng có những sản phẩm biệt thự có giá “chát” như vậy. Tuy nhiên, những dự án này sớm đi vào dĩ vãng bởi thực tế chưa được triển khai mà hình hài vẫn còn trên giấy.

Nguyên nhân cơ bản vẫn do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính khiến cho dự án dang dở, manh mún. Điều này đã làm không ít đại gia mất niềm tin vào bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường càng bi đát hơn.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đón nhận những làn gió mới, những đơn vị có đầu tư bài bản vẫn “sống khỏe” trước sóng gió của thị trường. Một dự án khá nổi tiếng đang triển khai ở Vĩnh Phúc vừa ra mắt 10 căn biệt thự thuộc dạng đắt từ trước đến nay với giá 60 tỷ đến hơn 150 tỷ đồng. Đi kèm biệt thự, người mua sẽ được sở hữu vĩnh viễn biệt thự và khuôn viên 1200 m2 đến 2500 m2 và được tặng rừng thông, bãi tắm và bến thuyền riêng mở rộng diện tích sử dụng lên đến cả ngàn m2. 


Nếu tính cả tiền xây dựng, một căn biệt thự này giá cao nhất khoảng 152 tỷ đồng tương đương khoảng 7 triệu USD. Thế những, ngay trong ngày mở bán đã có những chủ nhân chọn được cho mình biệt thự phù hợp.

Trong khi nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô chỉ loanh quanh ở mức vài triệu đồng/m2 vẫn khó bán thì việc một chủ đầu tư tung ra thị trường sản phẩm có giá hàng trăm tỷ đã tạo nên một cú sốc lớn.

Điều này cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế vẫn khó khăn, nhưng thời gian gần đây vẫn có dự án bất động sản nghỉ dưỡng tung sản phẩm ra thị trường hoặc có doanh nghiệp vẫn âm thầm tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu khách hàng để chuẩn bị cho những chiến dịch bán hàng rầm rộ thời gian tới.

Dù mức giá đó khiến nhiều người “lắc đầu lè lưỡi” thì một bộ phận nhỏ người mua vẫn sẵn sàng móc hầu bao.

Đại diện bán hàng của một dự án nghỉ dưỡng lớn ở Đà Nẵng cho biết, các căn hộ có giá từ 4 tỷ đồng, riêng căn penthouse có giá lên đến 15 tỷ đồng. Biệt thự có giá từ 28 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng cho những vị trí đẹp nhất của khu nghỉ dưỡng... nhưng đều đã bán gần hết. Một căn biệt thự ở dự án tại Vĩnh Phúc có giá gần bằng cả một dự án nhưng theo chủ đầu tư tiết lộ, ngay ngày đầu mở bán đã có 2 khách đặt mua.

Đại gia Việt chịu chơi

Sáu năm trước, một khu nghỉ dưỡng tại Hội An tiên phong bán biệt thự nghỉ dưỡng với giá khởi điểm khoảng 500.000 - 700.000 USD/căn thì tất cả người mua đều là người nước ngoài.

Nhưng đối tượng khách hàng của các công ty phát triển bất động sản nghỉ dưỡng giờ đây đã thay đổi nhiều. Kết quả lại rất bất ngờ khi người nước ngoài gần như vắng bóng ở các dự án này mà người mua chủ yếu lại là người Việt Nam, và có tới 80% khách hàng đến từ Hà Nội.

Thực tế, đối với những đại gia này, giá trị của một căn biệt thự triệu đô không chỉ tính bằng việc cho thêu lại hay bán đi có giá cao hơn. Những lời chào mời đó có thể như một lời gợi ý đối với người mua, nhưng nó hầu như không mang tính chất quyết định, vì nếu đầu tư để kiếm lời nhà đầu tư không dại gì bỏ ra một lượng vốn lớn như vậy để đầu tư vào một loại sản phẩm có tính thanh khoản kém hơn nhà đất ở những thành phố lớn.

Những người mua biệt thự nghỉ dưỡng “triệu đô” chỉ để thỏa mãn khát khao sở hữu một tài sản lớn. Nhiều đại gia mua biệt thự chỉ để khoe hay dành các kỳ nghỉ để tặng cho đối tác, gia đình, bạn bè... Trước đây, nó xa lạ với người Việt, nhưng khi kinh tế đã phát triển thì nó ngày càng phổ biến hơn, và mua biệt thự không những để thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng đơn thuần mà nó còn là “thương hiệu,” thể hiện đẳng cấp và địa vị xã hội của người sở hữu.

Đại diện một hãng ngiên cứu BĐS cho rằng, văn hóa nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã phát triển nhanh trong thời gian qua. Xu hướng sử dụng dịch vụ 5 sao của khách nội địa và khách quốc tế đều tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi khách sạn, khu nghỉ dưỡng đầu tư và phát triển số lượng nhiều tại khu vực miền Bắc nhưng chất lượng chưa cao. Mảng nghỉ dưỡng cao cấp tại miền Bắc vẫn còn chưa phát triển xứng tầm, theo điều tra, chủ sở hữu biệt thự tại các tỉnh miền Trung và Nam phần lớn là người miền Bắc. 

Theo VietNamNet
 
Thứ Hai, 21/01/2013 --- cập nhật 05:49 PM, GMT+7